ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN PHƯỜNG 10 QUẬN GÒ VẤP QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ PHƯỜNG LẦN THỨ XIII NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Kỷ niệm 28 năm ngày quốc tế Người cao tuổi 1.10.1991 - 1.10.2019

(WEBGOVAP) - Ngày quốc tế Người cao tuổi đầu tiên được Liên hợp quốc phát động tổ chức vào ngày 1.10.1991 nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi ở các nước thành viên Liên hợp quốc. Hưởng ứng Chương trình hành động Quốc tế về người cao tuổi, trong 28 năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi, khẳng định vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo tốt công tác xã hội đối với người cao tuổi. Đây cũng là dịp toàn xã hội và gia đình ghi nhận, trân trọng sự đóng góp của người cao tuổi và thể hiện sự quan tâm, chăm sóc người cao tuổi phù hợp truyền thống, đạo lý dân tộc.


Nhân kỷ niệm lần thứ 28 ngày Quốc tế Người cao tuổi 1.10 (1991 - 2019), Thường trực Quận ủy – Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận đã tổ chức đến thăm và mừng thọ 28 cụ từ 100 tuổi trở lên đang sinh sống ở địa phương (ảnh).

Trong những ngày này, các tổ chức đấu tranh vì quyền của người cao tuổi trên thế giới cũng đang tiếp tục tích cực tiến hành các hoạt động với chủ đề “Tôn vinh những người cao tuổi có công lớn trong đấu tranh vì quyền con người” nhằm thúc đẩy các quyền được ghi trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người, trong đó có người cao tuổi. Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người do Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1948 có vị trí đặc biệt trong luật quốc tế về quyền con người. Dù có những đánh giá khác nhau, cộng đồng quốc tế đa số đồng ý rằng Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người là một văn kiện lịch sử, là nguồn cảm hứng bất tận cho các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới, trong đó có quyền của người cao tuổi. Đây cũng là cơ sở nền tảng để Liên Hợp quốc xây dựng và ban hành Công ước Quốc tế về quyền của người cao tuổi trong thời gian tới.

Kỷ niệm 28 năm ngày quốc tế Người cao tuổi 1.10.1991 - 1.10.2019

Đây là dịp để tôn vinh những người cao tuổi trên khắp thế giới đã cống hiến đời mình đấu tranh cho quyền con người nhằm:
1. Thúc đẩy các quyền con người đã được ghi trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người và đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của các quyền đó trong cuộc sống hàng ngày của NCT

2. Tăng cường sự tham gia và nâng cao hình ảnh của NCT trong thúc đẩy quyền con người không chỉ trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới họ, mà là trên mọi mặt của đời sống 

3. Suy ngẫm về tiến độ và những thách thức trong đảm bảo sự hưởng thụ đầy đủ và bình đẳng quyền con người và quyền tự do căn bản của NCT

4. Huy động sự tham gia của tất cả mọi cá nhân, tổ chức trong đấu tranh bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của NCT.


Trong những năm qua, vấn đề người cao tuổi và già hóa dân số luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Nổi bật nhất là Hiến pháp được sửa đổi vào năm 2013, tại khoản 3 Điều 37 qui định “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và tại Điểm 2, Điều 59 nêu “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác". Đặc biệt Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua ngày 23.11.2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010. Với 6 chương, 31 điều, Luật đã thể chế hoá chính sách của Việt Nam về người cao tuổi một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện, đảm bảo cho sự tham gia vào hoạt động xã hội của người cao tuổi, đồng thời khuyến khích sự quan tâm của các tổ chức xã hội, cá nhân đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Đây là bước cụ thể hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện Tuyên bố Chính trị và Chương trình hành động quốc tế Madrid năm 2002, phù hợp với chính sách chung của nhiều quốc gia và của Liên Hợp quốc về người cao tuổi. Cụ thể là người cao tuổi có các quyền bảo đảm nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ; quyền tự quyết định; được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; được tạo điều kiện làm việc; được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; quyền được ưu tiên giảm giá khi tham gia giao thông công cộng, thăm quan các di tích văn hóa lịch sử v.v... và ưu tiên khi cứu trợ, chăm sóc sức khỏe khi có hậu quả thiên tai hoặc rủi ro khác. Luật người cao tuổi bảo đảm quyền người cao tuổi được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Đây không chỉ là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với người cao tuổi và các tầng lớp Nhân dân, mà còn thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước đối với người cao tuổi; cũng là bước đi rất thích hợp để Nhà nước Việt Nam có những chính sách và giải pháp chuẩn bị tích cực cho tình trạng dân số già trong những thập kỷ tới.

Kỷ niệm 28 năm ngày quốc tế Người cao tuổi 1.10.1991 - 1.10.2019

Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền của người cao tuổi được quy định khá đầy đủ. Ngoài Hiến pháp 2013 và Luật người cao tuổi năm 2009 đề cập trực tiếp đến các quyền của người cao tuổi, các luật khác, tùy thuộc đối tượng điều chỉnh, cũng có những điều khoản liên quan đến một số quyền của người cao tuổi hoặc nhằm ngăn chặn sự vi phạm quyền của người cao tuổi. Hệ thống các văn bản pháp luật liên ngành phản ánh các chính sách dành cho người cao tuổi cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người cao tuổi tại Việt Nam. Cụ thể như Luật Người khuyết tật năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2013; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Lao động năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2015 đều có quy định có ý nghĩa bảo vệ quyền của người cao tuổi. Ví dụ: Khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”; Khoản 1 Điều 41 Luật Bảo vệ sức khỏe Nhân dân năm 1989 quy định: “Người cao tuổi được ưu tiên khám, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khỏe của mình”; Khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử không bị áp dụng hình phạt tử hình”...

Kỷ niệm 28 năm ngày quốc tế Người cao tuổi 1.10.1991 - 1.10.2019

Để thiết thực hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế người cao tuổi năm 2019 và tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy được trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm góp phần xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và cơ chế tổ chức thực thi hiệu quả nhằm bảo đảm các quyền của người cao tuổi - một bộ phận dân số có số lượng và tỷ lệ ngày càng tăng trong xã hội, góp phần ứng phó với vấn đề già hóa dân số đang tăng nhanh ở Việt Nam.


PHƯƠNG HOA (tổng hợp)
Ảnh: NGUYỄN LÊ - PHƯƠNG THẢO